Quyết định v/v ban hành quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng đặc dụng

UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIÊT NAM |
TỈNH NINH BÌNH | Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 2556 /QĐ-UBND | Ninh Bình, ngày 17 tháng 11 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
V/v ban hành quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng đặc dụng.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) năm 2004, có hiệu lực từ ngày 01/4/2005;
Căn cứ Quyết định 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;
Căn cứ quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng tự nhiên;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tư pháp;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng đặc dụng, gồm khu bảo tồn thiên nhiên – đất ngập nước Vân Long và khu rừng văn hoá – lịch sử – môi trường Hoa Lư.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.
Điều . Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Du lịch, Tài nguyên & Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Thủ trưởng các ban ngành có liên quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư – Vân Long, Chủ tịch UBND các xã có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH | |
CHỦ TỊCH | |
ĐÃ KÝ | |
ĐINH VĂN HÙNG |
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIÊT NAM |
TỈNH NINH BÌNH | Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG RỪNG ĐẶC DỤNG
(Kèm theo Quyết định số 2556/2005/QĐ-UB ngày 17/11/2005 của UBND tỉnh Ninh Bình)
Chương I:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi, đối tương áp dụng:
- Quy chế quản lý, bảo vệ và sử dụng khu bảo tồn thiên nhiên – đất ngập nước Vân Long và khu rừng văn hoá – lịch sử – môi trường Hoa Lư (gọi chung là rừng đặc dụng) áp dụng trong phạm vi diện tích, ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên – đất ngập nước Vân Long và khu rừng văn hoá – lịch sử – môi trường Hoa Lư theo quyết định 2888/QĐ-UB ngày 18/12/2001, Quyết định 2538/QĐ-UB ngày 05 12 năm 2003, các Quyết định 01,02,03,04,05,06/QSDĐ ngày 10/5/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. Vùng đệm hai khu rừng đặc dụng nói trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.
- Mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên khác đều phải chấp hành các quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên ban hành kèm theo quyết định 08/2001/QĐ-TTg ngày 11/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Nhà nước cấp trên và Quy chế này.
Điều 2: Giải thích từ ngữ.
- Khái niệm về rừng trong quy chế này được hiểu là rừng tự nhiên và rừng trồng trên đất lâm nghiệp, trong đó có thực vật rừng, động vật rừng và các yếu tố liên quan đến rừng: núi đá, sông suối, hồ, đàm, vùng đất ngập nước.
- Rừng đặc dụng là loại rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường. Rừng đặc dụng gồm 3 loại: Vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng văn hoá – lịch sử – môi trường. Trong khu rừng đặc dụng được chi thành 3 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục vụ hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ.
- Du lịch sinh thái trong quy chế này được hiểu là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa, có tính giáo dục môi trường, đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.
Điều 3: Nguyên tắc quản lý, bảo vệ:
- Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư – Vân Long (sau đây gọi là chủ rừng) chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật và quy chế quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng.
- Việc quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng trong khu vực được thực hiện theo quy định của Luật di sản văn hoá, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và các quy định khác của pháp luật.
Điều 4: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân hoạt động trong khu rừng đặc dụng.
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được chủ rừng giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng; được hưởng tiền công trông coi, bảo vệ rừng, được hưởng sản phẩm nông lâm kết hợp dưới tán rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được thuê cảnh quan môi trường để kinh doanh du lịch sinh thái, môi trường trong khu rừng đặc dụng theo quy định của Luật đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Quy chế quản lý rừng đặc dụng.
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động hợp pháp trong khu rừng đặc dụng phải thực hiện nghiêm chỉnh luật bảo vệ và phát triển rừng, quy chế quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng và các quy định khác của pháp luật; đồng thời phải tích cực đóng góp nguồn lực để bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng trong khu rừng đặc dụng.
Chương II:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5: Quy định việc bảo vệ hệ sinh thái.
Để bảo vệ hệ sih thái rừng trong khu rừng đặc dụng, nghiêm cấm các hành vi sau:
- Khai thác cây rừng, cây cảnh, đá cảnh và các loại lâm sản, đặc sản khác kể cả cây chết khô, mục.
- Khai thác đất, đá làm vật liệu xây dựng.
Việc đào đất để củng cố đê, đập phải có sự thoả thuận của chủ rừng và được UBND tỉnh cho phép.
- Sưan bắn, bẫy bắt, xua đuổi, uy hiếp các loài động vật hoang dã; lưu hành các phương tiện, công cụ đánh bắt, săn bắn động vật hoang dã vào khu rừng đặc dụng.
- Dùng lửa để đốt ong, đốt cỏ, hun chuột hoặc vì bất cứ mục đích gì khác.
Việc dùng lửa trong sinh hoạt phải tuân theo quy định phòng chống cháy rừng và hướng dẫn của chủ rừng. Không được đem chất nổ, chất dễ cháy vào khu rừng đặc dụng nếu không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
- Thả dê, trâu bò, gia súc vào những khu vực rừng mới trồng, khu vực khoanh nuôi phục hồi rừng.
- Phá rừng, núi để sản xuất hoặc xây dựng công trình nếu chưa có sự thoả thuận của chủ rừng và chưa được UBND tỉnh cho phép.
- Gây trồng, nuôi, thả vào rừng đặc dụng các động thực vật không phân bố trong khu rừng đặc dụng. Trường hợp đặc biệt phải được phép của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Thu thập các loại tiêu bản dưới mọi hình thức nếu không được sự đồng ý của chủ rừng.
Điều 6: Quy định việc bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước.
Trong vùng đất ngập nước thuộc khu rừng đặc dụng nghiêm cấm các hành vi sau:
- Khai thác bùn, đất, cát, gây tổn hại đến đa dạng sinh học đất ngập nước.
- Xây dựng công trình, nhà ở, neo đậu thuyền bè, khai thông sông, suối trên vùng đất ngập nước nếu không được sự đồng ý của chủ rừng và được phép của UBND tỉnh.
- Phá huỷ công trình ngăn, giữ nước khi không được cấp có thẩm quyền cho phép.
- Gây ô nhiễm nguồn nước.
- Làm cạn kiệt nguồn nước. Việc tháo nươc, giữ nước trong các khu đầm phải được chủ rừng đồng ý. Khi có lụt bão việc tháo nước, giữ nước được thực hiện theo lệnh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh.
- Đánh bắt thuỷ sản bằng nổ mìn, lưới mắt nhỏ, kích điện, chất độc. Khai thác thực vật thuỷ sinh không đúng hướng dẫn của chủ rừng.
Việc thả cá, nuôi cá, trồng cây trong vùng đất ngập nước thuộc khu rừng đặc dụng phải nằm trong dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, theo quy hoạch, kế hoạch, và phải phối hợp chặt chẽ với chủ rừng khi tổ chức thực hiện dự án.
- Thả gia cầm, gia súc phá hoại thực vật tự nhiên và rừng trồng trong khu đất ngập nước thuộc rừng đặc dụng.
Điều 7: Bảo vệ môi trường trong khu rừng đặc dụng.
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động hợp pháp trong khu rừng đặc dụng không được xả rác thải, đưa các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường vào khu rừng đặc dụng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trong khu rừng đặc dụng phải theo đúng hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật.
- Không được tiến hành sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu rừng đặc dụng.
Điều 8. Hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng.
- Hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng thực hiện theo Điều 16 quy chế quản lý 3 loại rừng ban hành kèm theo Quyết định 08/2001/QD-TTg ngày 11/01/2001của Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ rừng thực hiện trách nhiệm quản lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật; hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái trong khu rừng đặc dụng theo quy chế quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng.
- Nguồn thu từ du lịch sinh thái được trích 1 phần để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật và quy định của UBND tỉnh.
Điểu 9: Hoạt động nghiên cứu khoa học trong rừng đặc dụng.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học trong rừng đặc dụng thực hiện theo điều 15 quy chế quản lý 3 loại rừng ban hành kèm theo Quyết định 08/2001/QĐ-TTg ngày 11/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ rừng có trách nhiệm quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong rừng đặc dụng hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoạt động, nghiên cứu khoa học trong khu rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật.
- Chủ rừng được ký hợp đồng cho thuê hiện trường để triển khai nghiên cứu khoa học với sự thoả thuận giữa các bên tham gia theo quy định của pháp luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10: Công tác tuyên truyền, thanh tra kiểm tra thực hiện quy chế.
- UBND huyện Hoa Lư, UBND huyện Gia Viễn, UBND các xã có ranh giới, diện tích khu rừng đặc dụng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo phân công trách nhiệm tại quyết định 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, các ngành, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng quy chế quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng và các chế độ, chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; tham mưu cho UBND các cấp thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Du lịch và các ngành liên quan, UBND huyện Hoa Lư, UBND huyện Gia Viễn và chủ rừng xây dựng đề án phân bổ nguồn thu từ du lịch sinh thái trong đó giành một phần đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, xây dựng hai khu rừng đặc dụng do tỉnh quản lý.
- Cơ quan kiểm lâm các cấp có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn; chỉ đạo chủ rừng thực hiện quy chế này.
- Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư – Vân Long thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn được giao; giám sát, thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật và quy chế này; kịp thời phát hiện vi phạm để ngăn chặn, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
- Các sở, ban ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện quy chế quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng.
Điều 11: Khen thưởng và xử phạt.
- Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có thành tích trong việc thực hiện quy chế quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, góp phần tích cực vào việc quản lý, bảo vệ, xây dựng khu rừng đặc dụng, được xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước về khen thưởng.
- Những vi phạm trong các lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khác, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng trong khu rừng đặc dụng đều bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân còn có thể bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp.
- Không cho tham gia một số hoạt động như: Nhận khoán trồng và bảo vệ rừng; dịch vụ vận chuyển khách trong khu rừng đặc dụng.
- Yêu cầu ra khỏi rừng đặc dụng.
- Thu hồi có thời hạn hoặc thu hồi vĩnh viễn giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái.
Điều 12: Trong quá trình thực hiện quy chế này nếu có gì vướng mắc, phát sinh mọi tổ chức, cán nhân có trách nhiệm phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) để nghiên cứu, sửa chữa, bổ sung kịp thời./.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH | |
CHỦ TỊCH | |
ĐÃ KÝ | |
ĐINH VĂN HÙNG |